Chính thức giảm thuế nhập khẩu một số loại ô tô từ 31/3/2025

Đăng bởi :Lê Đăng Trung | Cập Nhật : 03/04/2025

Theo Nghị định số 73, từ 31/3, một số mặt hàng như ô tô, gỗ, Ethanol, đùi gà đông lạnh, hạt dẻ cười, hạnh nhân, quả táo tươi, cherry, nho khô... sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới.

Giảm thuế nhập khẩu một số loại ô tô từ 31/3/2025

Thông tin chi tiết

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 73 đó là quy định ô tô nhập khẩu có mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 sẽ có mức thuế nhập khẩu giảm từ 64% xuống còn 50%; ô tô nhập khẩu có mã HS 8703.24.51 cũng giảm từ 45% xuống 32% để thống nhất mức thuế của 3 mã HS này.

Trong đó, mã HS 8703.23.63 gồm các mẫu ô tô có khoang hành lý chung và ô tô thể thao, loại 4 bánh chủ động, dung tích xi lanh trên 2.000 cc đến 2.500 cc. Mã HS 8703.23.57 gồm ô tô thuộc dòng sedan dung tích xi lanh trên 2.000 đến 2.500 cc. Còn mã HS 8703.24.51 gồm các mẫu ô tô khác loại 4 bánh chủ động.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế MFN với một số loại ô tô nhằm đa dạng nguồn cung xe nhập khẩu, tăng cạnh tranh trên thị trường và xây dựng hệ thống thuế phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Giảm thuế nhập khẩu có làm giá bán ô tô giảm đi không?

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025 vào ngày 31/3 với mức giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 13 - 14% khiến nhiều người kỳ vọng giá xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, thực tế có thể không đơn giản như vậy.

Tại Việt Nam, những dòng xe thuộc 3 nhóm trên không nhiều, chủ yếu là xe sang và một vài dòng cỡ lớn của các hãng phổ thông. Như vậy, Nghị định 73 tác động không lớn đến thị trường ô tô Việt nói chung bởi những mẫu xe trong diện hưởng thuế nhập ưu đãi có số lượng khá ít và chủ yếu từ Mỹ, ví dụ như các dòng của Jeep hay Mercedes và một số ít các mẫu xe của Lexus nhập từ Nhật Bản.

Trong khi đó, các dòng xe nhập từ khu vực Đông Nam Á như Toyota Camry, Fortuner vốn đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018 theo Hiệp định ATIGA. Do đó, việc giảm thuế lần này không tác động đến nhóm xe này. Còn với xe nhập từ Nhật Bản, thuế nhập khẩu hiện ở mức 45% theo CPTPP, nhưng một số mẫu xe có dung tích động cơ trên 3 lít, dẫn động hai cầu như Toyota Land Cruiser, Lexus GX, LX sẽ được hưởng thuế nhập khẩu chỉ còn 32% theo Nghị định 73.

Lý thuyết cho thấy, khi thuế nhập khẩu giảm từ 64% xuống 50%, giá xe sau khi tính cả thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT có thể giảm khoảng 8,6%. Điều này đồng nghĩa với việc một mẫu xe giá 1 tỷ đồng có thể giảm 86 triệu đồng nếu các yếu tố khác không thay đổi. Thế nhưng, trên thực tế, giá xe khi đến tay người tiêu dùng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như biến động tỷ giá, chi phí vận chuyển, marketing, lợi nhuận của hãng và đại lý.

Nếu cùng một đời xe và thời điểm nhập khẩu không quá cách biệt thì giá xe có thể giảm khi thuế nhập khẩu hạ. Tuy nhiên, nếu mẫu xe đó thuộc bản nâng cấp hoặc thế hệ mới với nhiều trang bị hơn, giá có thể không giảm, thậm chí còn tăng.

Chưa hết, chi phí vận chuyển cũng ảnh hưởng rất nhiều đến giá xe. Chẳng hạn như trong giai đoạn 2022 - 2023, xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang khiến chi phí vận chuyển bằng tàu biển từ Mỹ về Việt Nam đã tăng gấp 2-3 lần. Điều này khiến giá xe nhập khẩu tăng đáng kể.

Tại sao lại giảm thuế nhập khẩu ô tô?

Dự kiến, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu theo diện ưu đãi MFN có thể khiến ngân sách nhà nước giảm khoảng 8,81 triệu USD, dựa trên kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm thực tế có thể thấp hơn nếu lượng xe nhập khẩu từ các quốc gia thuộc diện MFN tăng lên, thay thế dần nguồn nhập khẩu từ ASEAN.

Theo Bộ Tài chính, kim ngạch nhập khẩu của ba dòng ô tô thuộc diện điều chỉnh thuế chủ yếu đến từ các quốc gia có mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, như Thái Lan (thuộc Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA) và Nhật Bản (trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP).

Tính đến năm 2024, quy mô thị trường ô tô Việt Nam khoảng 510.000 xe/năm, trong đó sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước là 338.000 xe/năm và sản lượng nhập khẩu là hơn 173.000 xe/năm. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN đang áp dụng mức thuế suất FTA 0%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Dự kiến, đến năm 2030 tổng tiêu thụ ô tô vào khoảng 1-1,1 triệu chiếc. Với tốc độ này, trong 5 năm tới, mức tiêu thụ xe ô tô của nước ta phải đạt gấp đôi so với hiện tại. 

Hiện, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất, lắp ráp các loại xe có dung tích xi lanh thấp, từ 2.000 cc trở xuống để phục vụ nhu cầu của người dân. Còn các dòng xe có dung tích xi lanh cao hơn chủ yếu nhập khẩu.

Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) có thể tạo ra sự dịch chuyển thương mại đáng kể, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các mẫu xe cao cấp với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, tác động thực tế của chính sách này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị hiếu, giá thành, dịch vụ hậu mãi, mức tiêu hao nhiên liệu cũng như thói quen mua sắm của khách hàng.

Trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước chưa sản xuất các dòng xe dung tích xi-lanh lớn, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội lớn cho phân khúc này. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây có thể là cú hích quan trọng, không chỉ mở rộng sự đa dạng của các dòng xe nhập khẩu mà còn mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng tài chính.

ChungAuto - Trung tâm độ xe ô tô chuyên nghiệp

Website: https://chungauto.vn/

NHẬN TƯ VẤN TRỰC TIẾP

Vui lòng để lại thông tin liên hệ để ChungAuto Việt Nam có thể liên hệ tư vấn cho bạn!

Lê Đăng Trung
Tác giả: Lê Đăng Trung

Anh Lê Đăng Trung hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị và người sáng lập của thương hiệu ChungAuto. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành nội thất ô tô, anh Trung đã có một lượng kiến thức rất sâu rộng về tất cả các sản phẩm. Anh luôn cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp tối ưu nhất dành cho khách hàng của mình.

Bình luận